Đá Mỹ Nghệ Non Nước Đà Nẵng

Đá Mỹ Nghệ Non Nước Đà Nẵng

Định hướng phát triển của Tư Hùng là xuất khẩu các sản phẩm tượng đá, sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao đến với khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, Úc, Ấn Độ và châu Âu.

Đá mỹ nghệ non nước – Các sản phẩm làm ra từ đá tự nhiên

Đá mỹ nghệ Non Nước  từ trước đến nay vốn được coi là cái nôi của nghệ thuật điêu khắc trên nền chất liệu đá. Nó không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lan tỏa khắp các châu lục qua hàng hóa xuất khẩu và ưa thích của du khách các nước mỗi khi đặt chân đến Đà Nẵng.

Khi đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước này có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhiều gia đình có tới bảy tám thế hệ làm nghề điêu khắc đá. Trầm tích  thời gian hơn bốn trăm năm của làng nghề đã đủ cho thấy sức sống của “di chỉ” nghệ thuật này. Theo tài liệu lịch sử ghi chép còn đến ngày nay, vào khoảng thế kỷ XVII, dưới chân Ngũ Hành Sơn đã tồn tại một làng truyền thống làm đá mỹ nghệ .

Người có công đầu khai sáng làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng này là ông Huỳnh Bá Quát – vị cao tổ nhiều đời của quan Đô ngự sử Huỳnh Bá Chánh, Tán tương quân vụ Nghĩa hội Quảng Nam. Vị cao tổ này từ vùng đất Thanh Hóa vào định an sở nghiệp dưới chân núi Non Nước ( Đa Nẵng), nhận thấy nơi đây là cụm núi đá cẩm thạch, ông bèn ra công khai thác, rồi đục đẽo thành những tấm bia mộ, chế tác cối xay, chày và cối giã tiêu, giã thuốc Bắc, hoặc làm những hòn đá chì cung cấp cho ngư dân quanh vùng. Chẳng bao lâu sau, nghề đục đẽo đá này phát triển khá nhanh đến nỗi dưới triều nhà Nguyễn, nhằm ngăn chặn việc khai thác đá quy mô làm mất đi danh thắng Ngũ Hành Sơn, các đời vua Gia Long, Minh Mạng và Tự Đức đều có sắc chỉ cấm cư dân làng Quán Khái khai thác đá làm thủ công điêu khắc bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu sang các nước khác, chỉ được phép khai thác đá làm bia mộ nhỏ lẻ cung cấp trong vùng. Quán Khái là tên làng dưới chân núi Non Nước, lúc đó thuộc huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam.

Một xưởng chế tác đá tại làng khắc đá mỹ nghệ Non Nước ( Đà Nẵng)

Hiện nay, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã vươn tới đỉnh cao nghệ thuật, không chỉ điêu khắc văn bia mà còn tạo tác các tượng đài, các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa, các linh vật Long, Lân, Quy, Phượng, các Phật Thánh Tiên Thần mang tính chất văn hóa tín ngưỡng tâm linh, tại các đền, chùa, lăng, miếu. Tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông, hay mai, lan, cúc, trúc… Ngoại trừ những sản phẩm đồ lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, cỡ kích to thì chỉ cần một khoản tiền đặt cọc hoặc một hợp đồng thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm với địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được bên bán đóng kiện cẩn thận và gửi theo đường biển đến tận nơi cho khách hàng.

Làng nghề đá Non Nước còn gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, với lễ hội Quán Thế Âm – thu hút hàng vạn du khách đến dự vào tháng hai âm lịch hàng năm.

Các sản phẩm hoàn thiện từ đá được trung bày giới thiệu tới du khách đến làng đá Non Nước (Đằ Nẵng)

Đến với làng đá Non Nước, với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách cảm nhận sự thư thái, nhẹ nhàng trong một không gian tĩnh lặng, trầm mặc và huyền bí của những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn, đến cảm giác rộn ràng như đang hòa mình trong những thanh âm rộn rã phát ra từ mũi ve đục đá dưới những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đang gieo ý tưởng trên những khối đá thô cục thành các tác phẩm nghệ thuật.